Hỏi đáp bệnh viêm amidan – phần 1

Hỏi:

Mỗi khi thời tiết thay đổi, con trai tôi thường bị viêm amidan, có lẽ do nhờn thuốc nên rất hay tái phát. Mỗi lần tái phát lại phải dùng thuốc kháng sinh. Do phải dùng nhiều loại kháng sinh, con tôi rất gầy yếu và hay bị rối loạn tiêu hóa. Rất mong quý thầy thuốc cho biết, viêm amidan có chữa bằng Đông y được không? Cách chữa cụ thể như thế nào? ( chị Nguyễn Thị Thanh Nga, Sóc Sơn, Hà Nội)

Lương y HƯ ĐAN xin phép trả lời bạn đọc như sau:

Viêm amidan là chứng bệnh đường hô hấp thường hay gặp ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Bệnh hay phát sinh trong các mùa đông, xuân và giai đoạn giao mùa, khi thời tiết biến đổi đột ngột. Việc sử dụng thuốc chữa viêm amidan cần sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng.

Nguyên nhân chủ yếu là do sức kháng bệnh của cơ thể suy yếu, bị vi khuẩn hoặc vi rút xâm nhập và gây nên bệnh. Y học hiện đại chia viêm amidan ra thành hai loại chính: Cấp tính và mạn tính.

Viêm amidan cấp tính: Bệnh phát tác nhanh, ban đầu người bệnh cảm thấy hơi sợ lạnh, đau đầu, toàn thân đau mỏi, họng khô, tiếp theo là phát sốt, có thể sốt cao tới khoảng 40 độ C, họng đau, khi nuốt đau tăng lên, hoặc kèm theo mặt đỏ bừng, lợm giọng, buồn nôn, nôn, hoặc thậm chí đau bụng ỉa chảy. Kiểm tra thấy vùng họng bị sung huyết, sưng tấy. Kiểm tra họng thấy amidan sưng to (một bên hoặc cả hai bên), đỏ tấy, mặt ngoài có chấm mủ vàng hoặc trắng, lồi lõm không đều như tổ ong.

Viêm amidan mạn tính: Chủ yếu do viêm amidan cấp tính không chữa trị triệt để, tái phát đi tái phát lại, trở thành mạn tính. Biểu hiện chủ yếu của viêm amidan mạn tính là cảm giác khó chịu hoặc như có dị vật ở trong họng, có thể kèm theo hơi thở hôi, hạch amidan phì đại, thường hay bị ho do kích thích, trẻ nhỏ thường kèm theo ngạt mũi, chảy nhiều nước mũi, khó thở, khó nuốt, ...

Trong Đông y không có tên bệnh "viêm amidan", nhưng các chứng trạng của bệnh, cũng như cách chữa trị, đã được Đông y đề cập từ nhiều thế kỷ trước. Đại thể, viêm amidan trong Y học hiện đại, thuộc phạm vị các chứng "Nhũ nga", "hầu nga" trong Đông y học. Để chữa viêm amidan, trên lâm sàng thường chia thành các thể "Phong nhiệt ngoại xâm", "Phế vị nhiệt thịnh", "Phế thận âm hư" và "Tỳ khí hư nhược".

Hai thể "Phong nhiệt ngoại xâm" và "Phế vị nhiệt thịnh" thường gặp trong những đợt tái phát cấp tính ở những người bị viêm amidan mạn tính. Để chữa trị, có thể căn cứ vào chứng trạng cụ thể để nhận dạng thể bệnh và chọn dùng phép chữa, cách chữa viêm amidan vị thuốc, bài thuốc thích hợp, theo các phương án sau:

(1) Phong nhiệt ngoại xâm:

- Biểu hiện: Ban đầu thấy đau họng, nuốt hơi đau, khi nuốt hoặc khi ho thì đau tăng lên, kèm theo phát sốt, sợ lạnh, ho, khạc ra đờm. Niêm mạc và amidan sung huyết, chưa thành mủ. Rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù sác (nổi, nhanh). - Phép chữa: Sơ phong thanh nhiệt, giải độc lợi hầu. - Có thể sử dụng bài thuốc: Kinh giới 8g, kim ngân hoa 12g, tang bạch bì (vỏ trắng rễ dâu) 15g, trúc diệp (lá tre) 12g, cát cánh 6g, cam thảo 6g; thêm 1000ml nước, sắc còn 600ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống cách xa bữa ăn. - Hoặc sử dụng các Món ăn - Bài thuốc: (1) Củ cải 100g, trám trắng 20g, bồ công anh 15g; củ cải và bồ công anh thái nhỏ, trám đập vụn, bọc lại, sắc lấy nước, bỏ bã, cho thêm 30-40g gạo tẻ vào nấu thành cháo; chia ra 2 lần ăn trong ngày. (2) Củ cải 250g, trám trắng 10g, kim ngân hoa 20g; trám trắng và kim ngân hoa bọc lại, cùng với củ cải nấu thành món canh; ăn củ cải và uống nước canh.

(2) Phế vị nhiệt thịnh: - Biểu hiện: Ngay từ đâu họng đã đau nhiều, khó nuốt, sốt, khát nước, đại tiện bí kết. Họng và amidan tấy đỏ, sung huyết, mặt có chấm mủ hoặc điểm mưng mủ. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác (trơn, nhanh). - Phép chữa: Tả nhiệt giải độc, lợi hầu tiêu thũng. - Có thể sử dụng bài thuốc: Chi tử (dành dành) 10g, huyền sâm 12g, đại thanh diệp (lá cây bọ mẩy) 12g, sinh địa 12g, sinh thạch cao 30g, cát cánh 6g; đầu tiên, sắc sinh thạch cao với 1200ml nước, sau 15-20 phút cho các vị thuốc còn lại vào nấu tiếp; sắc còn 600ml, chia ra 3 lần uống trong ngày, uống cách xa bữa ăn. - Hoặc sử dụng các Món ăn - Bài thuốc: (1) Bồ công anh 50g, sắc với nước 30 phút, chắt lấy nước, bỏ bã, thêm 30-40g gạo tẻ nấu cháo ăn trong ngày. (2) Mướp hương 300g, tỏi 6 nhánh, thanh đại 3g, muối ăn 3g; nấu thành món xào, ăn trong bữa cơm.

Về phòng ngừa thì người ta có thể nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng của cơ thể bằng rèn luyện thân thể, tập thể dục thể thao, cần giữ ấm để tránh cơ thể không bị nhiễm lạnh, và để tránh cho những vi khuẩn, virus có sẵn trong họng khi bình thường thì không gây bệnh, nhưng khi cơ thể bị yếu thì nó trở thành vi khuẩn, virus gây bệnh. Ta có thể giữ vệ sinh răng miệng, mũi, họng, súc họng bằng nước muối ấm. Và khi bị viêm amidan thì nên đi thăm khám chữa bệnh viêm amidan 1 cách triệt để.