Tìm hiểu bệnh mất ngủ ở các mẹ bầu

Mất ngủ là giấc ngủ không đầy đủ hoặc chất lượng kém. Mất ngủ có thể gặp phải ở một trong các trường hợp sau:
- Khó ngủ
- Tỉnh dậy thường xuyên vào ban đêm
- Khó khăn trở về giấc ngủ
- Không thể ngủ nếu không có các biện pháp hỗ trợ

nguyên nhân mất ngủ ở thai phụ
Lý do chính gây mất ngủ là sự phát triển của bào thai khiến bạn khó tìm ra một tư thế ngủ phù hợp. Nếu bạn có thói quen nằm ngửa khi ngủ thì nay phải đổi tư thế khiến bạn chưa kịp thích nghi. Ngoài ra còn thể có các nguyên nhân sau:

• Do tăng lượng Urê: Thận của bạn phải làm việc thêm 30% – 50% trong suốt quá trình mang bầu kết quả là lượng urê tăng vọt. Hơn nữa dạ con ngày một lớn và chèn ép lên bàng quang khiến bạn khó chịu và phải đi tiểu khá thường xuyên. Khi con bạn càng năng động thì càng phá bĩnh giấc ngủ của bạn.

• Thiếu các vitamin B: thiếu các vitamin B cũng là nguyên nhân gây khó ngủ.

• Đường huyết giảm: Nếu đường huyết xuống thấp giữa đêm, bạn có thể thức giấc do đói hoặc buồn nôn.

• Nhịp tim tăng: Nhịp tim của bạn sẽ tăng để bơm máu nhiều hơn tới dạ con. Tim bạn phải làm việc mệt nhọc hơn bình thường rất nhiều.

• Khó thở: Giai đoạn đầu do tác động của hormone trong quá trình mang bầu làm hơi thở bạn chậm và sâu làm bạn có cảm giác là hít thở rất khó khăn. Càng về sau càng khó thở hơn khi dạ con chiếm chỗ và ép lên cơ hoành).

• Đau nhức chân và lưng: Lưng và chân bạn ngày càng phải chịu đựng sức nặng của em bé. Mặt khác cơ thể tiết ra chất leraxin để chuẩn bị cho quá trình sinh con nhưng cũng làm cho bạn khó chịu.

• Ợ hơi và táo bón: Nhiều phụ nữ bị ợ hơi khi dạ dày bị bào thai dồn lên phía trên. Thức ăn bị giữ lại trong dạ dày lâu hơn gây ra táo bón.

• Ác mộng: Nhiều phụ nữ bị ác mộng trong suốt quá trình mang thai. Stress cũng là một nguyên nhân phổ biến. Khi mang thai bạn thường phải lo lắng nhiều hơn.
Mất ngủ trong từng giai đoạn của thai kỳ và cách khắc phục:

Giai đoạn 1 (ba tháng đầu)

Nguyên nhân
Ốm nghén: Hầu hết các bà bầu mang thai ở tháng thứ 2 đều phải đối mặt với hiện tượng ốm nghén. Bạn sẽ thường xuyên gặp những cơn buồn nôn rất khó chịu và đó là nguyên nhân trực tiếp 'gây rối' giấc ngủ trong giai đoạn đầu mang thai này.
Tâm lý lo lắng: Thường ở những tháng đầu mang thai, các mẹ phải đối mặt với rất nhiều sự thay đổi trong cơ thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi không thể kiểm soát, đặc biệt ở những phụ nữ lần đầu mang thai. Thêm vào đó, tâm lý lo lắng về việc chăm sóc sức khỏe, cách bảo vệ thai nhi, bổ sung dinh dưỡng như thế nào… cũng khiến hầu hết các mẹ hoang mang. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất ngủ mỗi đêm.

Giải pháp
Để khắc phục tình trạng mất ngủ do ốm nghén trong giai đoạn này, bạn nên tìm hiểu xem mình ốm nghén loại nào để biết cách điều trị phù hợp. Nếu bạn thường xuyên có cảm giác buồn nôn, nên sử dụng những loại trà thảo mộc như trà gừng, trà bạc hà làm nước uống hàng ngày.
Bạn cũng nên dành thời gian tìm hiểu về kiến thức mang thai để không còn cảm giác lo lắng hoang mang về chuyện bầu bí. Tốt nhất, hãy tập tạo cho mình thói quen sống thoải mái để hạn chế chứng mất ngủ.
Giai đoạn 2 (từ tháng thứ 4-6)
Nguyên nhân
Khó thở: Giai đoạn này do tác động của hormone trong quá trình mang bầu làm hơi thở bạn chậm và sâu làm bạn có cảm giác khó khăn khi thở. Khi bào thai càng lớn lên, bạn càng khó thở hơn vì dạ con chiếm chỗ và ép lên cơ hoành.
Đau nhức chân và lưng: Lưng và chân bạn ngày càng phải chịu đựng sức nặng của em bé, gây cảm giác khó chịu cho bạn. Nhiều bà bầu trong giai đoạn này còn thường xuyên mắc chứng chuột rút ban đêm. Nguyên nhân là do sự gia tăng trọng lượng của bào thai, hoặc thiếu canxi, kali.
Đi tiểu thường xuyên: Thận của bạn phải làm việc thêm 30% – 50% trong suốt quá trình mang bầu kết quả là lượng urê tăng vọt. Hơn nữa dạ con ngày một lớn và chèn ép lên bàng quang khiến bạn khó chịu và phải đi tiểu khá thường xuyên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu ‘phá bĩnh’ giấc ngủ của bạn.

Giải pháp
Trong giai đoạn này, bạn phải thường xuyên đến gặp bác sĩ để kiểm tra những thay đổi trong cơ thể. Việc bổ sung các loại vitamin đầy đủ sẽ giúp bà bầu khắc phục được phần lớn những nguyên nhân gây bệnh mất ngủ trên.
Trong trường hợp bạn thường xuyên bị đau nhức chân tay và gặp các cơn chuột rút, bạn cần vận động nhiều hơn trong ngày và nên tập thể dục nhẹ nhàng vào mỗi buổi sáng. Đồng thời, bạn cũng nên nhờ chồng trước khi đi ngủ massage đôi bàn chân để thư giãn và chống mệt mỏi.
Nếu bạn hay bị khó ngủ vì đi tiểu nhiều lần trong đêm, hãy giảm lượng nước đưa vào cơ thể trước khi đi ngủ. Đặc biệt, giảm các loại đồ uống kích thích như cà phê, trà, sôcôla, nếu có chỉ uống chúng vào buổi sáng.

Giai đoạn 3 (3 tháng cuối)
Nguyên nhân
Tư thế nằm: Ở giai đoạn này nguyên nhân lớn nhất gây mất ngủ ở thai phụ là do tư thế nằm không thoải mái. Từ tháng thứ 7, bầu thai đã phát triển khá lớn và bạn sẽ gặp những khó khăn nhất định trong việc chọn vị trí nằm hợp lí.
Chứng ợ nóng: Ợ nóng, ợ hơi tuy không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ và thai nhi nhưng nó khiến cho bạn không thể có giấc ngủ ngon vì luôn có cảm giác nóng ran trong cổ họng.

Giải pháp
Ở giai đoạn này, bạn cần tìm hiểu những tư thế nằm tốt nhất cho bà bầu để tìm một tư thế phù hợp với mình. Lời khuyên từ các chuyên gia là bạn nên dùng nhiều gối để đỡ quanh bụng và lưng khi ngủ. Bạn cũng có thể sắm những chiếc gối đặc biệt dành cho giai đoạn bầu bí: đó là gối hình cái nêm (loại gối đặc biệt dành cho bụng khi nằm nghiêng) hay gối dài (dài ít nhất 1,5m và được thiết kế để đỡ lưng và đỡ bụng).
Để khắc phục hiện tượng ợ nóng, bà bầu nên ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ăn 3 bữa chính, ăn chậm, nhai kỹ và uống ít nước hơn trong khi ăn. Bạn không nằm ngay sau khi vừa ăn xong và không mặc quần áo quá bó sát. Khi nằm kê gối cao giữ đầu cao hơn chân có thể đặt gối dưới vai để giúp ngăn ngừa axit dạ dày trào ngược.

Gợi ý để có giấc ngủ ngon khi mang thai
Chế độ ăn uống và dinh dưỡng:
- Không ăn no trước khi đi ngủ, nên ăn tối trước lúc đi ngủ từ 2- 3 giờ là tốt nhất để cơ thể có thời gian để tiêu hóa hết phần thức ăn.
- Nếu bạn hay bị hạ đường huyết giữa đêm, hãy thử dùng các loại thực phẩm giàu calcium như sữa, sữa chua, quả hạnh hoặc mè như các món ăn nhẹ buổi tối.
- Tăng cường thực phẩm giàu vitamin B như các loại rau lá xanh, ngũ cốc nguyên cám có thể giúp bạn ngủ ngon.
- Nên chia bữa ăn làm nhiều bữa nhỏ, khi ăn nên ăn một cách chậm rãi, nhai kỹ để dạ dày không bị quá sức, tránh tình trạng ợ nóng.
- Không nên dùng thức ăn có nhiều gia vị vì chúng gây tình trạng ợ nóng.
- Tránh những thức ăn có vị ngọt vì ở phụ nữ mang thai, chức năng thải đường sẽ giảm ở những mức độ khác nhau. Do đó, nếu đường trong máu quá cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai phụ và làm cho bạn khó ngủ hơn.
- Nếu hay bị ợ nóng, bạn có thể ăn những loại thức ăn nhẹ như bánh quy giòn hoặc bánh mỳ nướng khô sẽ làm giảm những triệu chứng này.
- Nếu bạn hay bị mất ngủ vì đi tiểu nhiều lần, hãy giảm lượng nước đưa vào cơ thể trước khi đi ngủ.
- Giảm các loại đồ uống gây kích thích như: cà phê, trà, sôcôla và sôđa hoặc chỉ uống chúng vào buổi sáng.

Chế độ luyện tập
Luyện tập thể dục không chỉ tốt cho việc lưu thông khí huyết mà còn giúp cho phụ nữ mang thai giảm được stress. Điều này giúp cho giấc ngủ của bạn tốt hơn rất nhiều, trong khi việc sử dụng thuốc trị mất ngủ là 1 điều bất đắc dĩ, luôn luôn phải hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa .
- Tập thể dục đều đặn, chẳng hạn như đi bộ mỗi ngày, có thể giúp cho đôi chân của bạn khỏi bị chuột rút. Hoặc bạn có thể thực hiện một số tư thế yoga hay các bài tập thư giãn
- Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên luyện tập nhiều sát thời điểm đi ngủ. Vì trong lúc tập thể dục, cơ thể sẽ tiết ra một số chất có thể gây ra sự khó ngủ. Thay vào đó, chỉ nên thư giãn nhẹ nhàng 15 phút trước khi ngủ như đi dạo, tắm nước ấm (có thể pha chút tinh dầu cho tinh thần thư thái), uống một ly sữa ấm nhỏ…
- Ngâm chân trước khi ngủ vào nước gừng và muối ấm (nếu có điều kiện thì thêm lá hương nhu, lá sả) cũng giúp mạch máu lưu thông và dễ ngủ.
- Nếu chân bạn bị tê chân sưng phù thì hãy bổ sung thêm canxi và massage chân thường xuyên.

Chế độ nghỉ ngơi
- Bác sĩ khuyên bạn nên có những giấc ngủ ngắn trong ngày, lý tưởng nhất là vào buổi sáng và buổi trưa. Giấc ngủ ngắn từ 30 – 60 phút tăng khả năng nhanh nhạy, trí nhớ tốt hơn và giảm triệu chứng mệt mỏi trong thời kỳ thai nghén.
- Không nên ngủ nhiều vào ban ngày vì như vậy bạn sẽ khó ngủ vào ban đêm.
- Cần tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ.
- Nếu bạn quá lo lắng về mang thai và sinh con thì hãy tham gia một lớp học làm mẹ hay thu thập thêm kiến thức để thấy an tâm hơn.

Tư thế nằm ngủ
- Nằm nghiêng bên trái và chân trái duỗi, chân phải gấp lại là tư thế tốt nhất trong suốt quá trình mang thai. Nếu cần thiết có thể để một chiếc gối ôm dưới đầu gối của chân gấp.
- Tư thế này giúp tim bà bầu làm việc nhẹ nhàng hơn, tăng sự cung cấp máu và chất dinh dưỡng đến nhau thai để nuôi dưỡng bé, giảm nguy cơ áp suất máu thấp, khó thở, chứng khó tiêu khi trọng lượng của bé không đè lên các mạch chính truyền máu từ tim tới chân và ngược lại. Tư thế này còn giúp bé cử động tốt hơn, giảm sưng ở mắt cá chân, bàn chân và tay ở người mẹ.
- Nếu nằm nghiêng mà vẫn không thấy thoải mái, bạn có thể thử tư thế nửa nằm, nửa ngồi (nằm nhiều hơn ngồi để tránh mỏi lưng và mông). Tư thế này giúp giảm áp lực đè lên bụng và tim hơn so với nằm ngửa.
- Bạn cũng nên lưu ý đến loại nệm nằm. Cần lựa chọn loại đệm cứng (bông ép) sẽ giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ vào ban đêm và sẽ tác động tích cực đến cảm giác thoải mái, dễ chịu cho ngày hôm sau.

Làm gì khi vẫn không ngủ được?
Nếu nằm lâu trên giường mà vẫn không ngủ được, thay vì trở mình lo lắng, bạn nên đứng dậy vận động nhẹ nhàng: hãy đọc sách, nghe nhạc, xem tivi, lướt web hoặc làm một số việc bạn thích cho đến khi thấy buồn ngủ.

Xem thêm: Mẹo hay chua viem hong hết ngay sau 2 ngày